Giắc Lân-đơn (Jack London) sinh năm1876 mất năm 1916 là nhà văn hiện thực Mỹ nổi tiếng đầu thế kỷ 20. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo ở thành phố San Francisco, bang California, thời thơ ấu và thanh niên của ông là những năm dài vất vả kiếm sống. Mãi đến năm 1895, ông mới được vào Đại học Ơ-cơ-len, vừa gác cổng vừa đi học. Năm 1896, ông theo đoàn người đi tìm vàng đến vùng Klân-đai-cơ thuộc Ca-na-đa và đã nếm đủ mọi mùi gian khổ, cay đắng: Đói rét, bệnh tật, hiểm nguy, cái chết rình rập… Năng khiếu văn học bộc lộ khá sớm ngay từ thời sinh viên và sau những chuyến đi dài, đi xa, đi tìm vàng, hàng loạt tác phẩm của ông ra đời: Tiếng gọi nơi hoang dã (1903), Mactin Eđen (1903), Gấu biển (1904) Tình yêu cuộc sống (1907), Gót sắt (1907), v.v… Tiểu thuyết Tiếng gọi nơi hoang dã (The Call of the Wild) ra đời năm 1903, là kết quả của chuyến đi tới Klân đai cơ tìm vàng. Ngay từ khi ra đời, tác phẩm đã gây một tiếng vang rất lớn.
Nội dung cuốn tiểu thuyết xoay quanh nhân vật chính là một chú chó có tên là Bấc một chú chó tinh khôn và trải qua nhiều bất hạnh. Đang sống trong một gia đình khá giả, Bấc bị bắt cóc đưa lên vùng A-la-xca trên Bắc cực để kéo xe trượt tuyết cho những người đi tìm vàng, và cuộc đời của nó thay đổi từ đây. Bấc như một vật chuyển đổi cực nhọc trong bão tuyết, phải qua tay nhiều chủ độc ác và nhẫn tâm, bị bạc đãi. Cuối cùng, Bấc đã được gặp Giôn Thooc-tơn, một người chủ có tính cách vô cùng đẹp đẽ và tình nghĩa, và có được “một tình yêu thực sự nồng nàn”. Giữa vùng Bắc cực băng giá, người và vật đã sống trong tình bạn ít có. Mấy lần Bấc đã dũng cảm xả thân cứu chủ khi cái chết đã cầm chắc trong tay… Sau một lần đi săn từ rừng trở về, Bấc đã chứng kiến cảnh hoang tàn, đẫm máu đối với người chủ nó thương yêu nhất: Giôn Thooc – tơn cùng những người bạn và các chú chó kéo xe bị nhóm người Yhet tàn sát.
Bạn đang xem: Tác phẩm tiếng gọi nơi hoang dã
Xem thêm: Tạp Chí Du Lịch Tphcm Triển Khai Nhiều Hoạt Động Thiết Thực, Sở Du Lịch Thành Phố Hồ Chí Minh
Lúc này đây, tình yêu thương, trung thành mà Bấc dành cho Giôn đã trở thành nỗi đau thống thiết, khiến nó trở nên hoang dã hơn bao giờ hết. Bấc như mất hồn, đau đớn. Nó dứt bỏ con người hoàn toàn, đi theo tiếng gọi nơi hoang dã.Tiếng gọi nơi hoang dã của Giắc Lân-đơn là một cuốn sách giàu ý nghĩa. Đọc Tiếng gọi nơi hoang dã, chúng ta sẽ cùng Bấc đến những miền đất hoang sơ chưa ai biết, biết thế nào là luật dùi cui và răng nanh, hiểu thế nào là lao khổ của dây cương và đường mòn… Không chỉ đơn giản là câu chuyện về cuộc đời thăng trầm của một chú chó mà hơn hết là những giá trị nhân văn sâu sắc. Đọc cuốn tiểu thuyết này bạn sẽ không chỉ đơn giản là có những cảm xúc vui buồn mà còn là sự đồng cảm tuyệt đối. Cảm xúc của bạn sẽ lên xuống theo từng nhịp của câu chuyện : thư thái với cuộc sống an nhàn của Bấc, lo lắng khi Bấc bị bắt đi, giận dữ khi Bấc bị bóc lột sức lao động, mừng vì Bấc được giải thoát, đau khổ cùng Bấc vì mất người chủ mà nó yêu thương nhất và cuối cùng là khâm phục khi Bấc có thể trở thành một chú chó hoang mạnh mẽ.
Không theo “nguyên lí tảng băng trôi” như Hemingway nhưng Jack London lại có khả năng thể hiện nhiều tầng lớp nghĩa của câu chuyện. Chủ đề lộ rõ trên bề mặt văn bản là mối xung đột giữa con người với thiên nhiên; đan lồng trong chủ đề ấy là hiện thực khốc liệt của xã hội Mỹ đương thời. Mỗi lần đến với tác phẩm, người đọc lại nhận thấy thêm những bất công trong xã hội Mĩ đương thời mà tác giả muốn truyền tải. Tiểu thuyết Tiếng gọi nơi hoang dã không chỉ phản ánh cuộc sống và những mảnh đời dữ dội của những đoàn người đi tìm vàng đã đổ bao nhiêu máu và nước mắt mong có một cơ may đổi đời mà còn gửi gắm thông điệp đầy nhân văn của tác giả đến bạn đọc. Trong cuộc đời này, không chỉ có con người khao khát được sống trong tình yêu thương mà loài vật cũng phải được sống trong tình thương như thế. Mất tình thương, tâm hồn của cả con người và loài vật cũng sẽ dần bị khô héo.
Với tất cả ý nghĩa đó, Tiếng gọi nơi hoang dã xứng đáng là cuốn tiểu thuyết vô song trong thế kỷ 20. Một cuốn sách giàu ý nghĩa, đáng để chúng ta đọc.